TIN TỨC
THÔNG TIN MỚI NHẤT

Thách thức phát triển ngân hàng xanh

Nỗ lực thúc đẩy phát triển NHX thời gian qua của Việt Nam đang từng bước được chú trọng và chủ yếu tập trung vào hình thành khuôn khổ pháp lý cho phát triển ngân hàng xanh; khuyến khích tín dụng xanh; yêu cầu các ngân hàng xây dựng khung, tiêu chuẩn và thực hiện quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong thực hiện nghiệp vụ cho vay; một số ưu đãi đối với các NHTM và các tổ chức tín dụng thực hiện các nghiệp vụ xanh hóa ngân hàng…

Những kết quả bước đầu

Tại Việt Nam, Đề án phát triển ngân hàng xanh đã được nêu rõ tại Quyết định 1604/QĐ-NHNN ngày 07/8/2018 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Đề án phát triển ngân hàng xanh (NHX) tại Việt Nam phấn đấu đến năm 2025, 100% ngân hàng xây dựng được quy định nội bộ về quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng và 100% các ngân hàng thực hiện đánh giá rủi ro môi trường xã hội trong hoạt động cấp tín dụng; Áp dụng các tiêu chuẩn về môi trường cho các dự án được ngân hàng cấp vốn vay; Kết hợp đánh giá rủi ro môi trường như một phần trong đánh giá rủi ro tín dụng của ngân hàng…

Nỗ lực thúc đẩy phát triển NHX thời gian qua của Việt Nam đang từng bước được chú trọng và chủ yếu tập trung vào hình thành khuôn khổ pháp lý cho phát triển NHX; khuyến khích tín dụng xanh; yêu cầu các ngân hàng xây dựng khung, tiêu chuẩn và thực hiện quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong thực hiện nghiệp vụ cho vay; một số ưu đãi đối với các NHTM và các tổ chức tín dụng thực hiện các nghiệp vụ xanh hóa ngân hàng…

Cụ thể, NHNN đã xây dựng một số văn bản pháp lý tạo cơ sở cho hoạt động cho các TCTD đặc biệt là các ngân hàng trong hoạt động tín dụng xanh và dần tiến tới NHX. Định hướng phát triển tín dụng xanh –  NHX cũng đã được khẳng định tại Chiến lược Phát triển ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (Quyết định số 986/QÐ-TTg ngày 8/8/2018).

NHNN cũng đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-NHNN ngày 23/04/2015 về thúc đẩy tăng trưởng xanh và quản lý rủi ro môi trường trong hoạt động cấp tín dụng, trong đó yêu cầu các TCTD tập trung ưu tiên cấp tín dụng xanh cho một số ngành kinh tế như: (i) Bảo tồn, phát triển và sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên; (ii) Sử dụng các thành tựu khoa học và công nghệ tiên tiến; (iii) Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; (iv) Phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; (v) Sử dụng công nghệ thiết bị thân thiện với môi trường và sản xuất những sản phẩm thân thiện với môi trường.

Theo kết quả khảo sát của NHNN (2019) về áp dụng tín dụng xanh trong ngành ngân hàng, đã có 19 tổ chức tín dụng xây dựng chiến lược quản lý rủi ro môi trường xã hội, trong đó có 13 tổ chức tín dụng tích hợp nội dung quản lý rủi ro môi trường xã hội vào quy trình hoạt động tín dụng xanh, 10 tổ chức tín dụng đã xây dựng được sản phẩm tín dụng ngân hàng cho tín dụng xanh, 17 tổ chức tín dụng đã sử dụng sổ tay đánh giá rủi ro môi trường xã hội cho 10 ngành kinh tế.

Nhiều “rào cản” cần tháo gỡ

Mặc dù đã đạt được một số kết quả bước đầu về phát triển NHX, song trên thực tế việc thúc đẩy phát triển NHX tại Việt Nam vẫn còn bộc lộ một số vần đề cần được tập trung tháo gỡ. Trước tiên, có thể kể đến khuôn khổ pháp lý về NHX chưa được hoàn thiện, bổ sung phù hợp với bối cảnh và thông lệ tốt quốc tế. Hiện nay, các quy định về NHX cơ bản còn mang tính chất định hướng, vẫn thiếu các quy định cụ thể, chưa có định nghĩa/ khái niệm thống nhất về NHX, thiếu các tiêu chuẩn/điều kiện về NHX.

Các chính sách hỗ trợ phát triển NHX giai đoạn vừa qua cũng chưa giải quyết được vấn đề nguồn vốn cho ngân hàng thực hiện tín dụng xanh và các hoạt động khác trong khuôn khổ phát triển NHX. Việc đầu tư vào các ngành/lĩnh vực xanh chủ yếu là nguồn vốn trung và dài hạn, thời gian hoàn vốn rất lâu, trong khi nguồn vốn huy động của các TCTD phần lớn là vốn ngắn hạn. Nguồn lực tài chính hiện nay cho tín dụng xanh của các ngân hàng, TCTD phần lớn vẫn dựa vào các chương trình, dự án có nguồn tài trợ quốc tế như Quỹ ủy thác tín dụng xanh (GCTF) của Chính Phủ Thụy Sỹ…

Các dự án xanh thường bị đánh giá có tính rủi ro cao, đồng thời khó đánh giá hiệu quả khoản vay cả về mặt xã hội và hiệu quả tài chính, cũng như yêu cầu tài sản đảm bảo, điều này làm giảm sự quan tâm của các ngân hàng, hoặc buộc các ngân hàng phải cho vay với các điều kiện chặt chẽ hơn, bao gồm các mức lãi suất cao hơn…

Với thực tế đó, để thúc đẩy phát triển NHX ở Việt Nam, các vấn đề cần quan tâm thực hiện gồm: Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, các chính sách ưu đãi, cơ chế hỗ trợ để khuyến khích phát triển NHX; Tăng cường tính bắt buộc, chịu trách nhiệm của hệ thống ngân hàng trong thực hiện đề án NHX; phát triển đồng bộ các thị trường tài chính xanh, đặc biệt là thị trường trái phiếu xanh và các nhà đầu tư có tổ chức, tạo cơ sở cho ngân hàng huy động vốn xanh trên thị trường...